CHƯƠNG VIII
TÀ GIÁO VÀ CHÍNH GIÁO
CHƯƠNG VIII
TÀ GIÁO VÀ CHÍNH GIÁO
Từ năm 70 cho đến năm 140 kitô giáo đã phát triển tại nhiều miền khác nhau và dưới những hình dạng đặc thù. Các Giáo hội Aram, các Giáo hội Asia, các giáo hội Syrie và Roma đều có những truyền thống riêng biệt. Ngoài ra, tại những ngoại biên Kitô giáo, mọc lên rất nhiều nhóm tà giáo, như Ngộ đạo, Ebonites và nhiều nhóm khác rất khó phân biệt với Kitô giáo chính thống. Ðiều đó dĩ nhiên đã gây ra nhiều va chạm. Khi các khuynh hướng ấy đã thành hình rõ rệt, thì chống đối là chuyện không tài nào tránh được. Ðó là những điều chúng ta gặp vào khoảng giữa thế kỷ II. Những chống đối này diễn ra giữa tà giáo và chính giáo đã vậy, mà còn diễn ra ngay giữa những khuynh hướng chính giáo khác nhau nữa. Trong các vụ tranh chấp này, Roma lúc đó giữ một vai trò quyết định.
I. MARCION
Nhân vật Marcion đặt chúng ta đứng trước một môi trường mà từ trước đến nay chúng ta chưa gặp được nhiều tài liệu. Theo Hippolite, ông là con của giám mục thành Sinope, tại miền Pont. Những tục lệ của Giáo hội Sinope mà Marcion bảo tồn là truyền thống. Chẳng hạn như những nghi thức phép Rửa Tội cùng việc ghi dấu thánh giá, việc xức dầu, uống sữa và mật ong (1). Có mấy đặc tính đáng chú ý: như đọc kinh quay mặt về phương Ðông, việc giáo dân soạn thảo lấy những Thánh Vịnh và những bài ca (2). Họ có một tục lệ riêng về thời gian lễ Phục Sinh làm liên tưởng đến niên lịch Samarie. Giáo phẩm gồm có các giám mục, phó tế, linh mục, độc thư. Hình như cũng có các nữ phó tế. Tertulien trách cứ người phái Marcion để cho phụ nữ làm phép trừ quỉ, cho họ đặt tay trên các bệnh nhân, cho họ rửa tội (3). Marcion coi việc tiết dục như một khoản bắt buộc, điều đó cho thấy ảnh hưởng của Do Thái-Kitô.
Nhưng nét đặc trưng chủ yếu trong nền kitô giáo của Marcion, là truyền thuyết của Phaolô. Ông thu gọn pháp quy vào nguyên sách Phúc âm của Luca và vào các thư của Phaolô. Có thể coi đấy như một đặc tính cổ đại và như một dấu chỉ sách Phúc âm của Luca là phúc âm của cộng đồng Sinope. Ðây là Phúc âm của nước Hylạp. Và chúng ta đã thấy những mối liên lạc giữa miền Pont với Corinthe. Tại miền Tiểu-Á hình như Marcion đã cổ vũ khuynh hướng Phaolô đến triệt để, bằng cách bác bỏ Cựu ước. Khoảng năm 144, ông tìm cách thu hút các giáo sĩ tại Roma đi theo lập trường của ông. Có lẽ ông đã soạn cuốn Những Phản đề vào dịp ấy. Lập trường của ông không được chấp nhận. Giáo thuyết của Marcion bấy giờ biến chuyển đến giai đoạn triệt để hơn. Có lẽ, theo bằng chứng của Irénée, ở đây phải kể đến môi giới ảnh hưởng của Cerdon. (4) Ông này đã tới Roma dưới đời Hygin (136-140). Cerdon đối lập Thiên Chúa ”công thẳng” của Cựu ước với Thiên Chúa ”nhân từ” của Tân ước. Ðây là một đặc điểm của thuyết Ngộ đạo Do Thái-Kitô. Marcion chấp nhận khoa thần học này vì nó khẳng định các quan điểm của ông (5).
Marcion không phải là một nhà thần học lớn. Nhưng ông đã góp phần đẩy thuyết yếm thế của Phaolô đến một hình thái triệt để, đơn giản, và đồng thời ông giải thoát thuyết ngộ đạo khỏi những hình thái khải huyền. Giáo thuyết này sẽ tạo được thành công lớn lao, nhất là vì Marcion là một nhà tổ chức lỗi lạc. Giáo phái của ông dựng thành một Giáo hội thực thụ. Từ năm 150, trong cuốn Minh giáo thứ nhất, Justin đã nói đến môn phái ấy (6). Ông đả kích phái này trong một khái luận riêng (7). Irénée chỉ viết một bài giải thích ngắn về phái này trong bộ Adversus haereses (8), nhưng ông chống đối thuyết ấy ở nơi khác. Denis thành Corinthe viết một bức thư phản đối Marcion gửi cho các giáo dân thành Nicomédie (H.E. IV,23,4). Còn Philippe, giám mục Gortyne tại Crète, soạn một tập để phản đối ông (9). Rodon, môn sinh của Tatien cũng vậy (H.E.V,13,1). Chúng ta còn nắm được tập khảo luận của Tertullien Adversus Marcionem. Chúng ta biết rằng các Giáo hội Marcion rất phồn thịnh tại miền Mésopotamie trước khi phái Mani tới. Bardesane đả kích Marcion vào cuối thế kỷ II (10).
II. VALENTIN
Nếu Marcion là một nhà sáng lập ra Giáo hội thì Valentin lại là một nhà thần học và là người có óc thần bí. Theo Epiphane, ông xuất xứ từ Aicập (11). Ông tới Roma dưới đời Hygin như Cerdon. Còn theo Tertulien (12), ông hình như đã vận động để chiếm đoạt ghế giám mục tại Roma. Có lẽ vào lúc tìm người kế vị Pius, năm 140. Hippolite thuật lại, ông đã nhận được một khải thị trong đó một trẻ sơ sinh tỏ mình ra với ông như Ngôi Lời (13). Ðặc tính khải thị này cũng xuất hiện trong một tàn bản của thánh ṿnh (14). Thực ra Valentin thuộc về nhóm Ngộ đạo cổ xưa của phái Séthi. Người ta nhận thấy điểm này trong một tàn bản được Clément thành Alexandrie trích dẫn, trong đó Valentin dạy rằng: Sau khi Adam được nặn nên, các thiên thần ”hoảng hồn vì nhận thấy mầm mống của bản chất thượng giới” (15) ở trong ông. Rõ ràng là có những yếu tố Do Thái trong giáo thuyết này. Người ta còn gặp thấy xuất xứ do thái trong quan niệm ”ma quỉ thống trị linh hồn” (16). Ngoài ra Valentin còn bị ảnh hưởng nhiều bởi tinh thần Do Thái-kitô Aicập, có pha khuynh hướng Encratite (17).
Rất khó đưa ra những điểm đặc thù của giáo thuyết Valentin. Bức thư mà Epiphane bảo tồn cũng không chắc có phải là của chính Valentin nữa (18). Cuốn Phúc âm của Chân lý tiêu biểu cho tư tưởng của ông, nhưng hình như không phải là văn kiện mang tên đó, chẳng qua chỉ là Irénée đã gán ghép cho (19). Ngoài ra những bài tường thuật mà Irénée viết về giáo phái Valentin, đã căn cứ nhiều vào những tác phẩm của các môn đệ ông, như Ptolémée và Héracléon, Théodote và Marc thầy phù thủy. Dù sao lý thuyết của trường phái Valentin rất mạch lạc trong những nét chính và thiên tài của Valentin là ở chỗ đã gầy tạo những quan niệm ấy. Nhờ có ông, trực quan Séthi trước kia chỉ là một trong những hình thái của thuyết ngộ đạo Do Thái-kitô, đã trở thành một tổng luận hùng mạnh. Sau đây là các yếu tố căn bản: Ngôi Cha vô hình và tư tưởng của Ngài hoàn toàn siêu việt (ennoia), việc sản xuất toàn bộ các thần gồm ba mươi vị mà vị cuối cùng là Sophia; việc Sophia tìm kiếm ngôi Cha; ước nguyện này trở thành nguyên ủy của hạ giới là nơi các phần thiêng liêng còn đang trong vòng kiềm tỏa; Chúa được sai đến mang theo Ngài trực quan, nhờ đấy phần tinh thần được giải tỏa.
Thất bại của thuyết khải huyền vốn là khởi điểm hình thành của thuyết ngộ đạo: tình trạng bi đát này đã gặp được lần đầu tiên ở đây một lối suy tư và đã trở thành một khoa thần học.Sức lôi cuốn của thuyết này quả là không bờ bến. Valentin là người dẫn đầu cho cả trường phái. Chúng ta nắm được mấy đoạn trích dẫn của môn sinh ông là Théodote,tại Alexandrie mà Clément đã bảo tồn và xử dụng. Irénée đã miêu tả thuyết ”ngộ đạo duy số học” quái đản của ông phù thủy Marc tại Asia; nó kèm theo phép hú giống như kiểu Valentin. Nhưng chính là trường phái tây phương đã mang đến cho thuyết ngộ đạo của Valentin một bộ mặt triết học. Héracléon viết bài chú giải đầu tiên về Phúc âm của Gioan khiến Origène viết bài phản chú giải. Lý thuyết của Ptolomée mà Irénée đã bảo tồn trong bài chỉ dẫn dài ở bộ Adversus haereses, sẽ mang lại cho hệ thống lý thuyết này cái hình thức hoàn hảo nhất. Việc khám phá ra những sách chép tay tại Nag Hamađi đã bổ túc vào các điều chúng ta biết về trực quan Valentin. Nhiều cuốn sách thuộc về trường phái này, nhất là cuốn Tiểu luận về ba bản tính (20) và Bức thư gửi Rheginos về việc sống lại (21).
Phái Valentin không tiêu biểu cho toàn bộ Ngộ đạo trong hậu bán thế kỷ II. Các bài của Hippolyte cho chúng ta biết còn có những ngành khác vẫn tiếp tục phát triển. Chẳng hạn như trực quan của Justin trong cuốn Sách của Baruch mà Hippolyte đã tóm lược. Các sách chép tay tại Nag Hamadie gồm nhiều sách khác ra đời vào thời kỳ này và thuộc về trực quan Séthi chứ không trực tiếp với Valentin. Trong các sách này có cuốn Nhập thể của các hung thần (22). Trong thế kỷ III, cuốn Pistis Sophia sẽ làm chứng về sức sống động của thuyết ngộ đạo; nhà mồ của Viale Manzoni sẽ cho chúng ta thấy tại Roma có giáo phái của nhóm Séthi (23). Trong các sách ngộ đạo, mà Plotin đã biết và đã đả kích, Porphyre kể tên cuốn Khải huyền của Allogène và cuốn Khải huyền của Zostrien. Cả hai cuốn này đã được tìm thấy tại Nag Hammadi. Nhưng chính phái Valentin đã làm Giáo hội phải đặt vấn đề, bởi vì thuyết ấy có phẩm chất và ôn hòa, nên đã quyến rũ được nhiều người.
III. MONTAN
Marcion và Valentin là những người tiêu biểu cho các thuyết ngộ đạo và nối dài một số trào lưu tư tưởng trong Giáo Hội: Marcion tiếp nối thuyết Phaolô miền bắc Tiểu-Á, Valentin tiếp nối tinh thần Do Thái-Kitô Ai cập. Tương quan này cùng với những dị biệt trong Giáo Hội ở đầu thế kỷ II còn rõ rệt hơn nữa trong tác phẩm của Montan. Montan, một người miền Phrygie, cùng với hai người nữ, Maximilla và Priscilla đều tưởng mình có đặc ân ngôn sứ. Chưa ai biết rõ phong trào này bắt đầu từ bao giờ. Eusèbe trong tập Biên niên của mình, cho là vào năm 172. Epiphane cho rằng cả ba ông Montan, Marcion và Tatien đều bắt đầu vào năm 156 (24). Nhưng ngoài ra ông lại nói, vào năm 172, thuyết Montan qua tới miền Thyatire, như vậy năm của ông trùng với niên đại Eusèbe đã ghi. Thế thì có thể đặt nguồn gốc của phong trào này vào các năm từ 156 đến năm 172 là thời kỳ thuyết ấy thịnh hành nhất tại Asia (25). Rồi năm 177 trường hợp ông được trình sang Roma. Dịp đó các vị tuyên xưng đạo gốc Lyon có can thiệp với Êleuthère. Hình như bà Maximilla qua đời năm 179. Mười ba năm sau (H.E. V,16,19), phong trào này làm náo động toàn bộ Asia, nhất là hai tỉnh Ancyre (H.E. V,16,4) và Ephèse (H.E. V,18,9).
Thuyết Montan là sự bùng nổ của phong trào nói tiên tri. Nét đặc trưng của nó là tính quan trọng dành cho các cuộc chiêm bao và các khải thị. Về phương diện này giới phụ nữ giữ một vai trò chủ chốt. Về nội dung của các khải thị, thuyết Montan qui chiếu tất cả vào đời sau. Thời kỳ của đấng Paraclet đã khởi sự lúc Montan ra mắt. Thành Jerusalem sắp sửa được khai mạc để thống trị một ngàn năm. Phải sống tiết dục để chuẩn bị vào đấy. Xuất hiện đầu tiên tại miền Phrygie, thuyết Montan lan tràn tại đấy rất nhanh chóng, nhưng đã gặp ngay những phản kháng mãnh liệt, nhất là cuộc phản kháng của Apollinaire, giám mục Hiérapolis từ năm 171 (H.E. V,16,1). Khoảng các năm từ 193 đến 196, thuyết này bành trướng khắp Asia và đã gây lên nhiều cuộc chống đối mạnh mẽ, đặc biệt là của Apollonius (H.E. V,18,1,14). Eusèbe cũng còn lưu lại cho chúng ta một tàn bản quan trọng của một tác giả khuyết danh, gửi cho Avircius Marcellus. Ông này có lẽ là giám mục Hiérapolis, người kế vị Apollinaire mà chúng ta đã tìm thấy bia mộ (H.E. V,16,2-17, 5). Thuyết Montan còn lan tràn đi nơi khác nữa. Sérapion thành Antioche đả kích nó (H.E. V,19,1). Người ta gặp thấy thuyết ấy tại Roma dưới đời Êleuthère. Nó gặp một sức phản kháng kịch liệt trong các giới Roma. Ðây không phải chỉ là việc phản kháng một tà thuyết, mà là một cuộc tranh chấp về khuynh hướng, một sự đối lập với tinh thần của Giáo Hội Asia. Rồi ra cũng ở Roma, Tertullien sẽ gặp thuyết Montan và hùa theo.
Người ta đã thảo luận xem, phải chăng thuyết Montan phục hồi lại trong Kitô giáo bầu sốt sáng tôn thờ thần Cybèle và Dionysos ở Phrygie? (26). Nhưng chắc chắn không thể tìm ra manh mối theo chiều hướng này. Thực ra, thuyết Montan xuất hiện như việc phát triển tinh thần Kitô giáo Asia (27). Vào đầu thế kỷ, chính tại Hiérapolis, hai con gái của Tông đồ Philippe đã sống, họ là nữ tiên tri và ở bậc đồng trinh. Cũng tại Hiérapolis có Papias làm giám mục và ở đây ông đã giảng về thiên niên thuyết. Ammia, một phụ nữ thành Philadelphie miền Lydie, được công nhận như một nữ ngôn sứ vào thế kỷ II (H.E. V,1,7,2-6). Thiên niên thuyết là một đặc tính chung cho khoa thần học Phrygie và Asia. Cérinthe cũng theo thuyết ấy. Irénée đã cho nó du nhập vào miền Gaule.
Hiện tượng ngôn sứ, đề cao bậc đồng trinh là những nét chung của phái Montan và của Méliton. Nói cho đúng ra, đây là tinh thần kitô của Gioan đã đạt tới sự phát triển quá mức. Nó tiêu biểu cho một ngành tuân giữ ngày 14 Nizan, căn cứ vào niên biểu của thánh Gioan về việc Thương khó. Chữ Paraclet ám chỉ Chúa Thánh Thần xuất xứ từ Asia và có lẽ Montan đã rút ra từ Phúc Âm của Gioan. Con số nghìn năm là trong sách Khải Huyền. Lòng khát vọng phúc tử vì đạo, đặc tính của phái Montan, đã có trong tinh thần sách Khải Huyền, và thuộc về nhãn giới anh dũng của cuộc đấu tranh giữa Roma, thành phố của Satan với Jerusalem. Việc đề cao sự tiết dục cũng gặp thấy trong Khải Huyền và trong các ngụy Công vụ của Gioan. Cũng vì thế, có một vụ đáng chú ý, là một trong những đối thủ của thuyết Montan tại Roma, linh mục Caius đã mạnh mẽ bài bác Phúc Âm của Gioan và sách Khải Huyền. Nhưng các vị tuyên chứng đạo tại Lyon lại là những người thuộc truyền thống Asia, khởi hứng từ sách Khải Huyền mà không chạy theo phái Montan.
Vấn đề thuyết Montan đặt ra không phải là một vấn đề giáo lý. Cả những người buộc tội nó cũng không ai cho rằng đó là một tà giáo. Nó chỉ đại diện phái bảo tồn những khuynh hướng cổ thời. Nó cho biết rằng buổi ấy có những cộng đồng sống tách rời với toàn khối Giáo Hội. Sau cùng, hiện tượng ngôn sứ đã dẫn đến thuyết tự thân giác ngộ đáng lên án. Bà Maximilla đã tiên báo những cuộc chiến tranh và loạn lạc sắp xảy ra mà rồi không có. Bạo động phản Roma và lòng khát vọng được phúc tử đạo là những điều khiêu khích có hại cho sự ổn định của Giáo Hội. Nhưng không nên vì các điểm quá khích này mà chối bỏ phần tinh thần Asia, còn được bảo tồn trong thuyết Montan vào thời kỳ lớn của Papias và của Polycarpe - chính nó đã làm say mê một khối óc vĩ đại là Tertulien.
IV. TATIEN
Con người của Tatien cho thấy những khía cạnh phức tạp đến nỗi người ta có thể nói về ông một cách hoàn toàn tương phản. Tác giả bài Diễn văn cho người Hylạp và tác giả của cuốn Diatessaron thuộc vào hai thế giới khác biệt nhau. Vì vậy mà Martin Else giải thích toàn bộ tác phẩm của ông theo thuyết trung-Platon (28). R.M. Grant (29) và A.Orbe (30) coi ông như một người Ngộ đạo trường Valentin, F. Bolgiani (31) bảo ông là một người Do Thái-kitô. Chúng ta không thấy có bằng chứng gì để bảo ông là người Ngộ đạo. Irénée, người đã viết về ông một thiên dài, không nhận thấy ông có khuynh hướng ngộ đạo chút nào. Những điểm tương đồng gặp thấy giữa ông và phái Valentin là những điểm thuộc về khoa thần học chung của thời đại và còn gặp thấy trong tác phẩm của Théophile và của Athénagore. Chúng ta sẽ quay lại các điểm này. Nhưng chúng không cắt nghĩa được hết mọi khía cạnh. Thực ra Irénée có lý khi bảo Tatien là một tiêu biểu cho thuyết Encratit. A. Voobus phê chuẩn cách kết luận đó (32).
Ðiểm này đặt chúng ta trước một truyền thống đặc biệt. Tatien tự giới thiệu như một người Assyrien. Ðiều đó có nghĩa là ông có xuất xứ từ miền Mésopotamie, có lẽ là miền Adiabène. Chúng ta đã thấy là miền này thuộc khu vực truyền giáo Palestine và đặc tính của nó là những khuynh hướng khổ hạnh. Tatien, xuất thân từ một gia đình ngoại giáo, hình như đã trở lại trong một cuộc hành trình sang Roma. Ông là môn sinh của Justin. Chính lúc đó ông viết cuốn Diễn văn cho người Hylạp. Irénée cho chúng ta biết vào lúc đó ông chưa có quan điểm nào đáng dị nghị. Mãi sau lúc Justin tử đạo năm 165, ông mới bắt đầu truyền bá thuyết Encratite, và lên án hôn nhân. Ðây là điều Irénée trách cứ ông. Có thể là, như Voobus gợi ý, ông đã gặp tại Roma những người miền đông Syrie. Giáo hoàng Anicet (155-166) đã chẳng phải là người d'Emèse đó sao? Giáo hội Roma lúc đó gồm có một số lớn các người phương Ðông. Tatien tự cảm thấy ông gần khuynh hướng quá khích Phương Ðông hơn. Một khi đã trở về bản quán, ông soạn cuốn Diatessaron trong đó các khuynh hướng Encratite của ông bộc lộ không úp mở.
Trường hợp Tatien cũng giống như trường hợp Montan. Ðây không phải là một tà thuyết theo đúng nghĩa giáo lý, Bolgiani đã minh chứng rằng sự sai lầm mà Irénée trách cứ, việc từ chối Ađam được cứu rỗi, chẳng những không thấy có trong cuốn Diễn văn, là nơi nói đến Ađam nhiều lần, nhưng sự sai lầm đó quan trọng đối với Irénée, vì những hậu quả nó gây nên và Tatien không lường trước được. Thực ra Tatien tiêu biểu cho một số đông Kitô hữu quá khích sống tại miền đông Syrie, mà chế độ tu trì còn giữ lại một vài hình thái. Chế độ tu trì này đi ngược lại với các khuynh hướng Roma. Bởi vậy miền đông Syrie không coi ông như một người tà giáo. Irénée viết về Tatien như một người đã phát minh ra thuyết Encratite. Nhưng người ta sẽ ghi nhận là thuyết này xuất hiện trên suốt địa bàn truyền giáo Do Thái-Kitô. Chúng ta đã gặp khuynh hướng ấy tại Aicập với Valentin. Có thể là Marcion đã chịu ảnh hưởng Syrie về điểm này, vì người ta thấy ông quen thói chỉ nhận cho chịu phép rửa tội những người đồng trinh và những đôi vợ chồng chịu ly thân. Qua thư tín giữa Denis thành Corinthe và Pinytos thành Cnosse chúng ta biết vấn đề được đặt ra tại Crète. Và có lẽ phải coi thuyết Encratite như một điều sót lại của ảnh hưởng Do Thái và Tatien cho thấy một số đặc tính khác về ảnh hưởng này.
Tatien hình như không gây được ảnh hưởng trường phái tại phương Tây. Người ta kể đến tên Sévère như môn sinh của ông. Eusèbe cho biết, Sévère giải nghĩa thánh kinh theo một quan niệm riêng, hình như được uốn nắn theo chiều hướng Encratite, ông bác bỏ các Thư của Phaolô và cuốn Công vụ tông đồ. Ðặc điểm cuối cùng này, hoàn toàn trái với nhóm Marcion, khẳng định việc nhận Tatien thuộc về một môi trường Do Thái-Kitô đã chịu ảnh hưởng của Giáo Hội Jerusalem. Chúng ta gặp thấy cùng những điểm này trong phái Ebionit. Một điều đáng chú ý: thời kỳ Tatien là thời kỳ bắt đầu xuất hiện những sách ngụy Công vụ. Thế mà những khuynh hướng Encratite xuất hiện nhan nhản trong sách này. Có thể là đã có những liên hệ giữa nền văn chương này và Tatien, nhưng không có gì là chắc chắn. Hình như những sách Công vụ ấy đã xuất hiện trong những khu vực khác nhau: Công vụ của Tôma tại miền Osroène, của Phêrô tại miền Phénicie, của Gioan tại miền Asia, của Phaolô tại miền Lycaonie. Tất cả, chúng cho thấy trong thời kỳ ấy, khuynh hướng Encratite có ảnh hưởng mạnh giữa Kitô giáo phương Ðông.
V. VẤN ÐỀ LỄ PHỤC SINH
Những cuộc tranh chấp đánh dấu hậu bán thế kỷ II, không những đã xảy ra giữa các nhóm quá khích và toàn thể Giáo Hội. Chính các Giáo Hội địa phương phát sinh từ những truyền thống khác nhau cũng chống đối nhau trong vấn đề lễ Phục Sinh (33). Toàn thể Giáo Hội Asia, theo truyền thống của Gioan, mừng lễ Phục Sinh của Chúa vào cùng một ngày như người Do Thái, nghĩa là vào ngày 14 tháng âm lịch Nizan. Ðây là tục lệ Mười Bốn. Tục lệ này cũng gặp thấy trong một số cộng đồng Do Thái-Kitô nhất là ở Palestine và khu vực truyền giáo Palestine. Nhưng đa số các giáo dân bên ngoài miền Asia mừng lễ vào ngày chủ nhật sau ngày 14 âm lịch. Chúng ta đã nói hình như đây là việc nối tiếp lễ Do Thái về của đầu mùa, nó khai mào lễ Ngũ tuần. Tư tưởng về lễ Phục Sinh nơi Phaolô xem ra muốn giữ kỷ niệm của sự trùng hợp này.
Vấn đề về tục lệ khác biệt này đã được đặt ra rất sớm. Ngay từ đời giáo hoàng Sixte, khoảng năm 120, một cuộc tranh chấp đã bùng nổ trong cộng đồng Roma giữa người Roma và người Asia, cuộc tranh chấp này đã kết thúc bằng sự thỏa thuận tương nhượng. Cũng cuộc tranh chấp ấy lại diễn ra lúc Polycarpe, giám mục Smyrne, tới viếng Roma dưới đời Anicet (155-166). Irénée thuật lại việc này trong một bức thư được Eusèbe lưu giữ. Ông nhận định là Anicet không thể khuất phục Polycarpe bỏ ngày Mười bốn, vì đấy là tục lệ của ”Gioan và của các Tông đồ khác ông đã có dịp chung sống”. Polycarpe ”không thành công khi ông yêu cầu Anicet bỏ tục lệ mà trước đấy các linh mục vốn tuân giữ” (H.E. V,24,16). Tuy nhiên hai vị đã chia tay nhau trong ổn thỏa. Hình như vấn đề được đặt ra nhiều lần. Quả nhiên Irénée đã viết cho Victor như sau: ”Trước Soter, các linh mục cầm đầu Giáo hội mà hiện nay ngài đảm nhiệm, nghĩa là Anicet, Pius, Hygin, Télesphore, Sixte, đã không tuân giữ ngày Mười bốn, nhưng cũng không cấm tục lệ ấy giữa các người mới đến từ những giáo đoàn theo tục lệ này (H.E. V,24,14).
Theo bản văn của Irénée thì hình như vấn đề trở nên trầm trọng dưới đời Soter (166-174). Chính lúc này vì vấn đề ấy mà Blastos đã ly khai với Eleuthète tại Roma. Dưới đời Victor (189-199), những công nghị được triệu tập tại nhiều địa điểm khác nhau để nghiên cứu vấn đề và thông đạt quyết định của mình bằng thư cho các Giáo hội khác. Tại thư viện Césarée, Eusèbe đã phát hiện bức thư của các giám mục Palestine, bức thư của hội đồng Roma, do Victor chủ tọa, một bức thư khác của hội đồng các giám mục miền Pont, do Palmas chủ tọa, một của các giáo đoàn miền Gaule, một của các giám mục miền Osroène, một của giám mục thành Corinthe (H.E.V,23, 3-4). Danh sách này thật quí giá vì nó cho chúng ta biết các Giáo Hội phương Ðông về điểm này chia sẻ quan niệm phương Tây. Ðặc biệt là trường hợp Alexandrie (H.E. V,25). Toàn thể các Giáo Hội đều nhất trí phải mừng lễ Phục sinh vào ngày chủ nhật.
Nhưng các giám mục miền Asia vẫn giữ vững lập trường của họ. Polycrate thành Ephèse gửi thư cho Victor, nhắc lại rằng: tục lệ Mười Bốn đã là tục lệ của các Tông đồ Philippe và Gioan, của Polycarpe và của Méliton. Méliton đã viết một tiểu luận về lễ Phục Sinh. Ngoài ra chúng ta còn nắm được của ông Bài giảng về lễ Phục sinh, nó trùng hợp với tục lệ Mười bốn. Theo Eusèbe thuật lại, Victor đã viết thư cho các giám mục để công bố rút phép thông công các giám mục Asia. Nhưng quyết định này đã gây nên một mối phẫn nộ giữa các giám mục. Irénée can thiệp vào và, trong khi khẳng định rằng chính mình sẽ mừng lễ Phục Sinh vào ngày chủ nhật, ngài yêu cầu Victor duy trì thái độ của các vị tiền nhiệm và chấp nhận cả hai tục lệ.
VI. CÁC TRƯỜNG PHÁI ROMA VÀO CUỐI THẾ KỶ II
Ngoài những luồng tư tưởng lớn bên lề mà chúng ta đã liệt kê, còn phải thêm: Vào cuối thế kỷ II có mấy nhóm khác xuất hiện, nhưng cũng là nối tiếp nền Do Thái-Kitô. Ðây là mấy khuynh hướng thần học cổ mà tính cách tà giáo chỉ hiện thân rất tiệm tiến. Một trong những khuynh hướng thông thường vào đầu thế kỷ thứ hai là khuynh hướng coi Ðấng Kitô như một người được Thiên Chúa kén chọn cách ngoại lệ. Ðây là điểm chúng ta gặp thấy trong tác phẩm của phái Ebionit, của Cérinthe, của Carpocrate. Ý kiến này được chấp nhận vào cuối thế kỷ II bởi một người thuộc da thành Byzance, tên là Théodote. Ông này truyền bá giáo lý của ông sang Roma, tại đây ông bị Victor trục xuất khỏi cộng đồng, khoảng năm 198. Các môn đệ của ông vốn tiếp tục truyền bá tại Roma.
Quan trọng hơn nữa thì có thuyết Thượng Quyền (doctrine monarchienne). Thuyết này xem ra như là nối tiếp thuyết Ðộc Thần Do Thái, theo đó thì Ngôi Con và Ngôi Thánh Thần chỉ là những sức mạnh của Thiên Chúa độc nhất, như đạo Do Thái chủ trương. Như vậy thì ngôi vị độc nhất của Thiên Chúa đã biểu hiện nơi Ðức Giêsu Kitô. Một số văn kiện Do Thái-Kitô rất cổ, như cuốn Chúc thư của mười hai tổ phụ, trình bày những kiểu nói có thể được hiểu theo nghĩa ấy. Chính tại miền Tiểu-Á, chúng ta gặp thấy những tín đồ của thuyết này. Tertulien cho rằng thuyết này là của Praxeas. Nhưng có lẽ không đúng. Praxeas đã chịu đau khổ vì đức tin. Hình như ông tiêu biểu cho một nhóm phản đối kịch liệt với thuyết Montan. Ở đây chúng ta có một bằng chứng về sự hiện hữu của nhiều luồng tư tưởng khác nhau tại Asia. Nhưng quan điểm thần học về Chúa Ba ngôi của ông không khác gì quan điểm thần học của Méliton. Nó chỉ trình bày lại những điểm đã có từ xưa. Praxeas đã đến Roma, ở đây ông tiếp tục chiến đấu phản lại thuyết Montan và đã thành công trong việc lên án thuyết ấy. Sau đó, ông sang Phi-châu. Việc ông đối lập với thuyết Montan gây nên một sức phản kháng mãnh liệt của Tertulien. Chính vì để bôi nhọ ông mà Tertulien đã bảo ông là cha đẻ ra thuyết Hình Thái (modalisme) (34).
Một nhóm thượng quyền khác được Hippolyte miêu tả trong cuốn Elenchos, nhóm của Noet. Noet là người thành Smyrne. Theo Hippolite thì ông bị các linh mục trục xuất khỏi Giáo Hội. Epigone là môn đệ của ông tới Roma dưới đời Victor. Nếu theo đúng lời của Hippolyte, ông gặp được cảm tình của các giám mục Roma, thoạt đầu là của Victor, rồi đặc biệt là của Zéphyrin, sau năm 199. Nói chung, hình như khoa thần học thượng quyền càng chống lại thuyết Montan bao nhiêu thì lại càng được được lòng các ngài bấy nhiêu. Như vậy những vụ tranh chấp của các cộng đồng Asia được chuyển sang Roma. Cuộc xung đột về thượng quyền hình như còn kéo dài lâu trong thế kỷ III. Hippolyte, Tertullienn giấn thân thực sự vào cuộc xung đột này.
Một sự kiện đáng chú ý cần phải được nêu lên sau khi đã khảo sát các phe phái khác nhau này là tất cả các khuynh hướng đều có người đại diện tại Roma (35). Chúng ta đã thấy Marcion tới đấy và trình bày giáo thuyết của ông cho các linh mục dưới đời Hygin. Valentin cũng có mặt tại đấy vào cùng thời kỳ này. Cerdon đã gặp Marcion tại Roma. Marcellline đã truyền bá tại đấy thuyết của Carpocrate dưới đời Anicet. Justin lập trường học của ông tại đấy khoảng năm 150. Ông có môn sinh người Assyrie là Tatien. Hégésippe tới Roma khoảng năm 160. Praxeas, Epigone, Théodote cũng tới đấy. Vào cuối thế kỷ II, các trường phái mọc lên như nấm tại Roma. Trong trường phái của Justin, Rhodon người Asia đã kế tiếp Tatien sau khi ông này trở về Assyrie và ly khai với Giáo hội. Phái Marcion chia ra làm ba nhóm khác nhau: Apelle chỉ nhận có một nguyên ủy, Potius và Basilicus thì nhận có hai; Syneros giả định có ba (H.E. V,13,3-4) (36). Tiêu biểu cho phái Valentin thì có khuynh hướng của Ptolémée và của Héracléon. Cũng còn có các nhóm theo Carpocrate, Basilide Naassénie nữa. Phái Montan có hai nhóm, nhóm của Proclus và nhóm của Eschine. Tác giả cuốn Adversus Artemonem ghi lại bốn nhóm Nghĩa tử (adoptianistes) (H.E. V,28, 16-19). Phái Montan và phái Thượng quyền dành ảnh hưởng lẫn nhau. Hầu hết các ông tiến sĩ này đều từ Asia mà đến. Nhưng chỉ có Roma là nơi so tài.
Chúng ta nhận thấy hầu hết những người này đều là người ngoại quốc. Họ tới từ Asia, Syrie, Aicập, Mésopotamie. Ðiều này làm sáng rực ảnh hưởng khác thường của Roma về phương diện giáo triều dưới đời nhà Antonins. Thành phố này không còn giống như thành phố đời Auguste hay cả đời Néron nữa. Ðây là một đại đô thị siêu quốc, nơi tất cả các chủng tộc và các tôn giáo gặp gỡ nhau. Tại đây người ta nói cả tiếng hylạp lẫn latinh. Cách riêng các giáo dân kitô là thành phần của thế giới siêu quốc này. Chắc chắn họ đã có những liên hệ sâu rộng với các gia đình thuần túy Roma. Họ chôn táng người chết trong những thửa đất thuộc về dòng họ Cecilii hay dòng họ Aurelii. Nhưng đa số họ là người phương Ðông. Roma là trung tâm để người Asia và người Syrie thuộc mọi khuynh hướng ra mắt công khai. Thế đứng này của Roma trong đời sống Giáo Hội đánh dấu cuối thế kỷ II. Nó liên quan tới việc tỏa sáng văn minh của thành phố này; nhưng cũng làm chứng về địa vị siêu việt của ngai tòa Roma trong toàn thể Giáo Hội Kitô.
VII. CÁC GIÁM MỤC
Trước một số lớn các trường phái cấu thành nét đặc trưng của thời kỳ đang nghiên cứu đây, chúng ta thấy quyền bính của các giám mục được khẳng định. Ðây còn là một nét đặc trưng khác đánh dấu cuối thế kỷ II. Trước những giáo thuyết mới lạ và đa dạng, các ngài lần lượt tiêu biểu cho truyền thống của đức tin chung và sự thống nhất của đức tin ấy. Về phương diện này, quãng thời gian năm mươi năm từ Hygin cho đến Victor xuất hiện những nhân vật phi thường. Lúc này miền Palestine đã có những giám mục xuất thân từ giới ngoại giáo. Dưới đời Marc-Aurèle, Jerusalem có vị giám mục tên tuổi trong con người của Narcisse. Eusèbe thuật lại cho chúng ta biết ông đã làm phép lạ biến nước thành dầu ngày áp lễ Phục sinh. Bị vu khống, ông lẩn trốn vào miền sa mạc. Có người khác lên thay thế. Nhưng sau khi người ta tìm được ông, ông lại trở về với chức vụ cũ. Lúc đã già, ông vẫn tiếp tay chung gánh với Alexandre là người thừa kế.
Antioche có Théophile sau này rất nổi tiếng, chính cũng vì ông là nhà viết văn và là nhà giáo lý. Eusèbe viết về ông như giám mục thứ sáu của thành này. Sau Maximin, người kế vị là Serapion. Ông này giữ một địa vị quan trọng trong việc chống đối phái Montan (H.E. V,19). Ông cũng can thiệp vào vấn đề các ngụy thư Phêrô. (H.E.VI, 12,2). Miền Asia là tâm điểm sống động nhất trong đời sống Giáo Hội. Chính tại đây đã phát sinh các tà thuyết. Nhưng cũng chính tại đây người ta đã gặp nhiều giám mục tên tuổi. Tại Hierapolis có Apollinaire là người chúng ta đã thấy dính dáng vào nhiều vụ can thiệp; ông lên án thuyết Montan và đệ đạt một tập minh giáo lên Marc-Aurèle. Tại Sardes, Meliton là vinh dự của Giáo Hội Asia. Chúng ta đã nói đến cuốn Minh Giáo của ông, đến áng văn lỗi lạc của ông. Ông là biểu hiện tinh túy nhất của nền Kitô giáo Asia (37). Tertulien tán tụng cái tài ngôn sứ của ông (38). Ông là người biện hộ nhiệt thành tục lệ Mười Bốn. Polycrate thành Ephèse xuất hiện như vị tổng giám mục miền Asia. Chính ông là đại diện của hàng giám mục trong vụ tranh chấp với giám mục Roma.
Tại Hylạp, Denys thành Corinthe gây được ảnh hưởng rộng lớn nhờ những bức thư ”công giáo” của ông. Ông liên lạc với các Giáo hội miền Crète và nhất là miền Pont. Nhờ ông, người ta biết tên nhiều giám mục tại các miền này: Philippe, giám mục Gortyne là người đã viết sách phản đối Marcion; Pinytos giám mục Cnosse, người đã tranh luận với Denys vế vấn đề tiết dục và hôn nhân; Palmas, giám mục Amastris, người đã nhân danh các giám mục miền Pont can thiệp vào vụ tranh chấp lễ Phục Sinh (39). Tại Alexandrie, Demetrius làm giám mục dưới đời Commode. Sau cùng vào thời kỳ này đã liên tiếp cầm đầu Giáo Hội Roma có Pius (140-155), Anicet (155-166), Soter (166-174), Eleuthère (174-189), Victor (189-199).
Hoạt động của các giám mục dĩ nhiên tác động đầu tiên vào cộng đồng họ điều khiển. Nhưng còn điều nữa xem ra đáng chú ý, đó là hoạt động của các ngài có ảnh hưởng trên toàn Giáo Hội. Chúng ta nhận ra điều này qua nhiều khía cạnh khác nhau. Thoạt tiên các giám mục cùng một miền hội họp với nhau thành công đồng miền. Chúng ta có một ví dụ về điểm này trong vụ tranh chấp về lễ Phục Sinh, đó là những công đồng được triệu tập tại Palestine, tại miền Pont, tại Asia. Hình như mỗi miền có một vị như là giáo chủ, Policrate tại Ephèse, Victor tại Roma, Serapion tại Jerusalem, Palmas tại miền Pont. Tác động này có khi cũng vượt ra ngoài biên giới các giáo tỉnh. Serapion thành Antioche thu tập chữ ký của các giám mục cho tới miền Thrace để phản đối thuyết Montan (H.E. V,19,3). Denis thành Corinthe gửi thư cho các Giáo hội miền Crète, miền Pont, miền Nicomédie, miền Athènes (H.E. IV,23). Dầu sao những giao tế này giả định lúc đó có nhiều Giáo Hội vốn giữ liên lạc riêng với nhau (40).
Không thể không nhận thấy chỗ khác biệt giữa hành động của những người khởi xướng lên các giáo phái. Nó tiêu biểu cho một đặc tính cá nhân và giống như hành động của những người sáng lập lên trường thuyết, với hoạt động của các giám mục là một thứ hoạt động chủ yếu có tính cách cộng đồng và bằng mọi cách làm nổi bật đức tin chung. Irénée miêu tả một thực tế lịch sử khi ông viết: ”Người tà giáo đều có sau các giám mục. Các giám mục là những người đã được các Tông Ðồ chuyển giao Giáo Hội cho. Cách phát biểu lý thuyết của họ cũng khác và chẳng ai hòa hợp được với ai cả. Nhưng đường lối của những người thuộc về Giáo Hội thì bao quát khắp thế giới và giữ vững truyền thống của các Tông Ðồ. Ðiều đó cho chúng ta thấy mọi người đều có cùng một đức tin và theo cùng một hình thức tổ chức (41).
Trong toàn bộ này, Giáo hội Roma có một quyền bính khác biệt. Polycarpe đã đến thành phố ấy năm 155 để thương thuyết mấy vấn đề khác nhau với Anicet. Denys thành Corinthe viết thư cho Giáo hội của các người Roma và cho Soter. Polycrate thành Ephèse đã nhân danh các giám mục miền Asia gửi bài biện hộ tục lệ Mười Bốn cho giám mục Roma. Khó lòng mà không nhận thấy trong toàn bộ các sự kiện này một cái gì khác ngoài tầm quan trọng chính trị và trí thức của kinh đô Ðế quốc. Trên bình diện Giáo Hội, Roma quả xứng đáng tiêu biểu cho mọi truyền thống của các Tông Ðồ, mà đặc biệt cho truyền thống của Phêrô. Và truyền thống này xem ra có một quyền bính riêng biệt. Ðó chính là điều mà Irénée, xuất xứ từ Asia và sinh sống tại Gaule, đã thừa nhận trong cuốn Adversus haereses.
VIII. IRÉNÉE
Về thời kỳ quan hệ lúc xảy ra cuộc đụng độ giữa các trường phái và Giáo Hội, chúng ta có một nhân chứng bậc nhất, là thánh Irénée. Chính ông đã trực tiếp dấn thân vào các vụ tranh chấp này. Trong tác phẩm của ông, chúng ta vừa có một nguồn tài liệu đầy đủ nhất vừa có một lối giải thích sâu sắc nhất. Ông sống tại trung tâm đời sống của Giáo Hội. Ông sinh quán tại Smyrne, khoảng năm 115, lúc thiếu thời ông đã biết giám mục Polycarpe và cùng thụ hưởng truyền thống của Gioan. Hình như ông đã đến ở Roma một thời kỳ. Năm 177 ông làm linh mục trong Giáo hội Lyon và tháp tùng các vị tuyên chứng đức tin trên đường đi can thiệp với Eleuthère về vấn đề phái Montan. Chính dưới đời Eleuthère, ông đã viết ra tác phẩm lớn để phản đối các người Ngộ đạo, cuốn Adversus haereses, trong đó, ông trình bày mọi tà thuyết. Sau khi làm giám mục thành Lyon, ông gửi thư cho Blastos về vấn đề Phục Sinh; ông tìm cách cứu gỡ Florin khỏi thuyết Ngộ đạo. Dưới đời giáo hoàng Victor, ông lên tiếng biện hộ với ngài về lập trường của nhóm Mười Bốn. Ông tóm lược khoa giáo lý của ông trong cuốn Luận chứng về phương cách giảng dạy của các Tông đồ. (42).
Irénée đã chứng kiến vụ tranh chấp đối lập các trường phái khác nhau với toàn bộ các giám mục. Ông đã suy nghĩ về ý nghĩa của việc đối lập này. Nó vừa liên hệ đến nguồn gốc và đến nội dung của chân lý kitô. Thoạt tiên điều mà Irénée bài bác nơi những người khởi xướng lên các trường phái là cái uy thế của họ. Lý thuyết của họ chỉ có một nền tảng là óc tưởng tượng riêng tư. Các ông rao giảng chính con người của mình. Khi tự xưng là nhân chứng của một truyền thống bí ẩn, họ là những kẻ lường gạt trắng trợn. Thực ra họ không tiêu biểu cho một truyền thống. Chính mỗi người trong họ là xuất xứ của lý thuyết họ rao giảng. Cách trình bày của họ có thể rất hấp dẫn nhưng về phương diện tư tưởng thì không có uy thế của Thiên Chúa. Tư tưởng của họ đồng hàng với những lý thuyết nhân loại, chỉ là sản phẩm của trí tuệ.
Irénée đặt các giám mục đối lập với các ông tiến sĩ tà giáo: Các giám mục không rút uy thế của họ từ giá trị của cá nhân mình. Các ngài đã được thiết đặt, được trao phó cho một sứ mệnh. Sứ mệnh này là truyền đạt một giáo lý đã có từ trước. Và nếu nghiên cứu cho biết giáo lý ấy đã khởi đầu từ đâu, người ta nhận thấy chung cục là các Tông đồ đã thiết đặt những giám mục đầu tiên. Lúc này Irénée minh chứng là việc thừa kế giám mục đã có từ đời các Tông đồ. Ông tiếp tục sự nghiệp mà Hégésippe đã khởi sự trước, nhưng làm cho phong phú thêm bằng những kiến thức cá nhân của mình. Như vậy ông dựng lại việc thừa kế của ba Giáo Hội mà ông quen biết nhất: việc thừa kế của Smyrne, khởi sự từ Gioan qua Polycarpe; việc thừa kế của Ephèse khởi sự từ Phaolô, và sau cùng là việc thừa kế của Roma khởi sự từ Phêrô và Phaolô và chỉ riêng về nền thừa kế này ông đã để lại danh sách đầy đủ.
Cứ chiếu theo các sự thừa kế của hàng giám mục thì chúng ta sẽ lên tới cái gọi là truyền thống của các Tông Ðồ (tradition ab apostolis) (43). Các người Ngộ đạo cũng tự xưng mình thuộc về các Tông Ðồ, nhưng truyền thống của họ không có uy thế bởi vì không căn cứ vào thể chế và vào việc chuyển nhượng quyền bính hợp pháp; trái lại các giám mục là những người thừa kế quyền bính của các Tông Ðồ. Các ngài có quyền chuyển nhượng quyền bính như là các Tông Ðồ có quyền chuyển nhượng giảng dạy. Ðiều xuất hiện ở đây trong tác phẩm của Irénée, là một nền thần học về thể chế Giáo Hội. Việc thông đạt lời giảng dạy của các Tông Ðồ đã không được ủy thác cho sáng kiến của các thầy dạy lẻ loi. Chính các Tông Ðồ đã thiết lập những cơ quan họ muốn dùng để truyền đạt lại lời họ giảng dạy. Chỉ có những cơ quan do các Tông Ðồ thiết lập mới có uy thế của các Tông Ðồ. Chỉ có các ngài mới là tiêu chuẩn của giáo lý và mới bảo đảm các giáo lý ấy phù hợp với mặc khải.
Nhân đó Irénée quyết rằng có sự đồng nhất trong điều giảng dạy của các giám mục. Các trường phái Ngộ đạo càng chia rẽ và tự mâu thuẫn với nhau bao nhiêu, thì điều giảng dạy của các giám mục lại càng đồng nhất bấy nhiêu trên khắp địa cầu. Ở đây ta thấy nhận định của Irénée phản ảnh một hoàn cảnh lịch sử và nói lên ý nghĩa của nó. Trong khi nghiên cứu, không gì đập vào mắt chúng ta bằng tính cách đa dạng của các môn thuyết. Và cũng chính bởi đấy mà cuộc nghiên cứu các môn thuyết đã chiếm một chỗ quan trọng và còn có thể đem khai triển sâu rộng hơn. Ðương đầu với các môn thuyết, có lời giảng dạy chung nhất của các giám mục, có luật đức tin gói gọn trong kinh Tin Kính, ở trạng thái đơn giản và trong sự thống nhất.
Quy luật đức tin này, Irénée chẳng những chỉ khẳng định sự hiện hữu mà thôi, ông còn trình bày về nội dung của nó. Ðối lập với những giáo thuyết chúng ta đã trình bày, ông thuyết minh về nội dung của truyền thống. Tác phẩm của ông chủ yếu là giảng giải giáo lý, cuốn Adversus haereses cũng như cuốn Luận chứng (44). Ông không nuôi tham vọng trở nên một nhà thần học độc đáo. Ông trình bày nền giáo lý phổ thông. Nguồn tài liệu ông dùng trước tiên là truyền thống giáo lý và Thánh Kinh (45). Nhưng ông trình bày một cách thâm sâu, làm nổi bật phần phong phú tinh thần và xác chứng sự trung thực của tính cách siêu nhiên. Thế mới biết rằng xuất thân từ Asia là miền đất của tài ba siêu nhiên, Irénée có cái gì khác người. Giáo lý của ông như sôi động ơn Chúa Thánh Thần.
Vì nét đặc trưng trong tác phẩm của ông là giữ được mạch lạc phi thường, nên lối trình bày đức tin cũng như việc nghiên cứu lý luận đức tin, trước sau ông vẫn luôn đề cao được một khía cạnh chung là tính đồng nhất. Một đàng tính đồng nhất tiêu biểu cho việc giảng dạy của các giám mục đối lập với việc giảng dạy của các nhà Ngộ đạo, đàng khác tính đồng nhất lại tiêu biểu cho nội dung của việc giảng dạy này. Các nhà ngộ đạo đã phá đổ tính đồng nhất: họ đem đối lập Thiên Chúa cứu chuộc với Thiên Chúa sáng tạo, thế giới vô hình với thế giới các thần, Cựu ước với Tân ước, Chúa Giêsu là người với Ðức Kitô của thượng giới, xác thịt với tinh thần trong con người. Trước tình trạng ấy, Irénée diễn tả tính đồng nhất trong ý định của Thiên Chúa. Cũng là một Thiên Chúa đã tạo nên Ađam thứ nhất bởi Ngôi Lời và Thánh Linh của Ngài và là Ðấng, đúng định kỳ, lại đến chấp nhận con người vốn là của Chúa, để giúp con người thể hiện ý định vuông tròn của người.
Trọng tâm của nền thần học này là ”đồng quy” mọi sự vào Ðức Kitô. Về điểm này Irénée trước tiên muốn nói: toàn diện con người đã được phục hồi bởi Ngôi Lời và Thánh Linh chuyển thông cho con người tính không hay hư nát. Nhưng không phải chỉ có bản tính con người, mà chính là con người lịch sử với toàn thể quá khứ của nó, đã được tác động của Ngôi Lời chiếm đoạt lại. Sự thống nhất của Kitô giáo là chính sự thống nhất ý định của Thiên Chúa. Kế hoạch đó đã khởi sự trong việc tạo dựng; tội lỗi đã xuyên tạc nó nhưng không tiêu diệt nổi nó, Cựu ước chuẩn bị nhân loại đón nhận ân điển của Chúa Thánh Linh; trong Ðấng Kitô, Ngôi Lời của Thiên Chúa đưa nhân loại tới chỗ vuông tròn; Thánh Linh nhận được trong phép rửa tội làm cho người có đức tin tham dự vào đời sống siêu nhiên đó của Thiên Chúa.